Giữa hiện thực đầy khắc nghiệt và đen tối, Emily In Paris là câu chuyện cổ tích hoang đường mà khán giả toàn cầu cần được đắm chìm?
a tháng 10 17, 2020Liên tiếp đứng đầu top phổ biến tại Netflix Việt Nam, Emily In Paris – series sitcom có chung cha đẻ với nhà sản xuất Sex And The City vừa xuất hiện thì đã lập tức phủ sóng mạng xã hội. Cùng lúc xuýt xoa với cảnh đẹp, người đẹp trong phim, khán giả cũng nổ ra hai luồng tranh cãi: một nửa cho rằng Emily In Paris có kịch bản quá hời hợt, nửa kia cho rằng những gì Emily In Paris thể hiện ra hoàn toàn thỏa mãn nhu cầu của khán giả tìm đến dòng phim giải trí. Không riêng ở Việt Nam, dư luận và phê bình quốc tế cũng bùng nổ vì Emily In Paris. Bên cạnh những lời chê bai phim thậm tệ đến “thảm họa” thì ai cũng phải thừa nhận Emily In Paris đang là một hiện tượng phim ảnh, một ảo mộng cám dỗ không thể rời mắt và là dạng phim “fun to hate” – người xem có thể ghét nhưng vẫn ngấu nghiến.
Nói đến những ảo mộng của phái nữ được tạo ra từ trên màn ảnh, Emily In Paris chỉ là một kẻ sinh sau đẻ muộn chứa đầy chất liệu cho những cô gái thích mộng mơ. Mọi cô gái có thể mơ cho mình thành Andrea của The Devil Wears Prada (2006), mong muốn gặp một người như Edward Lewis của Pretty Woman (1990), tưởng tượng mình thành hàng loạt những nàng Lọ Lem trong phim truyền hình Hàn Quốc.
Emily In Paris không hề có một nội dung nào mới hơn so với những đàn chị kinh điển. Cái mới của Emily In Paris, là bộ phim không còn dừng ở thể loại phim lãng mạn với đôi chút phóng đại hư cấu ngọt ngào nữa. Bộ phim hoàn toàn cất cánh rời khỏi hiện thực, chối bỏ tất cả những diễn biến thực tế để tạo ra một Paris “xứ sở thần tiên” chỉ có trong cổ tích.
Paris trong Emily cổ kính đến mức cũ kỹ với một tòa nhà cho thuê không có thang máy; lãng mạn đến mức mở ban công ra là nhìn thấy tháp Eiffel sáng rực cả một khoảng trời; là nơi tính nghệ sĩ được tôn thờ đến nỗi người bán hoa từ chối bán thứ hoa Emily thích vì cho rằng nàng không hợp, nhưng cũng là nơi rộng rãi thích thú lắng nghe cô bạn gái với giấc mơ âm nhạc đứt gánh của Emily hát một bài ngẫu hứng ở công viên.
Đích thân Emily đã nói trong phim: “Đây là Paris. Đây là một vũ trụ song song mà mọi quy luật của cuộc đời này chẳng nghĩa lý gì.” Và Emily thực sự tồn tại ở một Paris song song không có thật ngoài đời. Đó là một Paris được Darren Star – người nổi tiếng tạo ra Sex And The City huyền thoại xây riêng cho Emily. Ở Emily tỏa ra “hào quang nữ chính” mọi lúc: từ đời sống, công việc, tình cảm,… không lúc nào hào quang nữ chính rời xa khỏi nàng.
Giữa hơn hai triệu con người sống ở Paris, Emily có năng lực hấp dẫn tất cả những người có khả năng giúp nàng giải quyết vấn đề. Họ xuất hiện bất thình lình trên phố: một cô tiểu thư Trung Hoa lang thang từ Mỹ sang Pháp, giải quyết cho nàng nhu cầu cần một người bạn và một người quân sư; một cô gái Pháp vô tình quen biết với giám đốc khách sạn, hóa giải cho nàng thực tại bị cô lập vì chưa hòa nhập được với cộng sự. Và cuối cùng, để hoàn thiện cho cái đẹp như đi trong giấc mơ, Emily gặp người đẹp ở mọi nơi nàng đến. Gõ cửa nhầm phòng, chàng bếp trưởng Gabrielle với đôi mắt sâu hun hút và nụ cười chết người xuất hiện. Ngồi quán cà phê vỉa hè, giảng viên triết học Thomas cạnh bên bắt chuyện với nàng mang đến ấn tượng đầu tiên là một người trí thức điển trai. Thậm chí cả khi về miền quê, Emily cũng bắt gặp một chàng trai dễ làm nàng say hơn là hầm rượu nho và cánh đồng nho xanh tít tắp.
Nếu bạn trông đợi một bộ phim có chút ngọt ngào, có chút sâu sắc, nơi nữ chính sẽ nỗ lực một chút, học được bài học và thành công, bạn có thể dễ dàng phát điên với Emily. Nếu Andrea trong The Devil Wears Prada (2006) nộp hồ sơ vào tạp chí thời trang hàng đầu với kiến thức thời trang bằng không, coi thường thế giới của áo váy phù phiếm và có một hành trình thay đổi nhận thức mạnh mẽ; thì Emily sau 10 tập phim vẫn là Emily. Nàng không hề biết tiếng Pháp dù biết rằng mình phải làm việc cùng người Pháp, nàng hồn nhiên phủ nhận ngay kế hoạch truyền thông của một nhóm người bản địa đã biết rõ thói quen của khách hàng. Emily không hề lắng nghe mọi người đến tận phút cuối cùng, chỉ có Emily In Paris để nước Pháp phải hòa nhập với nàng.
Váy áo, dạ tiệc, những gương mặt đẹp đẽ, dòng sông Seine thơ mộng cho đến cửa hàng hoa nhỏ ven đường, tất cả như một bức tranh xa hoa lộng lẫy, là bối cảnh tuyệt vời cho câu chuyện Emily không cần bỏ quá nhiều cố gắng cũng đã có thể xỏ chân vào đôi giày thủy tinh được thửa riêng cho nàng.
Emily In Paris tạo ra bùng nổ hai bờ yêu ghét chính là vì lẽ đó. Bộ phim đẩy sự ngọt ngào lẫn nhẹ bẫng của dòng phim ảo mộng lên đến đỉnh điểm chưa từng có. Người yêu thích mộng mơ sẽ nhảy cẫng lên vì chưa bao giờ có một bộ phim mộng mơ đến thế, ngọt ngào nhẹ bẫng đến như thế. Còn ai đó mong đợi một hành trình nhiều gia vị, nhiều bất ngờ hơn; chỉ có thể tận hưởng vị ngọt ở giới hạn nhất định thì sẽ phát hoảng và bỏ chạy vì độ ngọt của nó.
Emily In Paris là một bộ phim chưa hề cố gắng tỏ ra sâu sắc, mà ngược lại; sự hời hợt, giản đơn của bộ phim mang đầy chủ đích. Không chút thông điệp khiên cưỡng, không lên gân nặng nề, Emily In Paris cũng như nàng Emily trong phim, không cố gắng làm người ta phải thích mình.
Sức quyến rũ kỳ lạ của Emily In Paris, cũng như sự khó chịu của nó gây ra cho vài khán giả đến từ sự lửng lơ, ngây ngô giản đơn của cả bộ phim lẫn nhân vật chính. Emily chẳng bao giờ nặng nề chuyện gì. Nàng có thể bảo mẫu quảng cáo của công ty là “kỳ thị giới”, nhưng sau 1 tập phim nửa tiếng nàng cũng không đứng về bên nào hay chống lại bên nào. Nàng bắt khách hàng phải biến chiến dịch của họ thành một cuộc trưng cầu dân ý, nhưng bộ phim chẳng buồn tiết lộ kết quả cuộc trưng cầu đó ra sao.
Emily In Paris không cố gắng nói một thông điệp nào cụ thể, không truyền tải bài học gì lớn lao mà chỉ có những tình huống nhẹ tênh, những lời thoại châm biếm hài hước nhưng cũng chẳng đả kích hẳn điều gì. Phim rất sến, nhưng không lâm ly quá đà. Miếng hài rất 18 nhưng không đến mức dung tục. Đồng nghiệp của Emily tại Paris rất khắc nghiệt, nhưng chưa phải đã ác độc. Điều đó khiến cho người xem một khi đã chấp nhận sự lửng lơ của Emily sẽ cảm thấy vô cùng dễ chịu ngấu nghiến 10 tập phim, để tiếp tục chìm đắm trong Paris đẹp mơ màng, quần áo hào nhoáng, câu chuyện không cần động não và quan trọng nhất là hoàn toàn chẳng có chút căng thẳng nào.
Càng về những tập sau, sự hời hợt của Emily lại trở thành điểm mạnh của cả nàng lẫn chính bộ phim. Nàng cười nhẹ tênh vào sai lầm của mình. Nàng để ý nhưng chẳng mảy may buồn phiền vì sự khắc nghiệt của đồng nghiệp. Nàng bước qua chia tay một cách thong dong thoải mái. Giữa những bộ phim truyền hình ngày một căng thẳng hơn, đen tối hơn, điên rồ hơn; sự vô tư vô lo của Emily khiến nhiều khán giả khô khan cũng phải mỉm cười trước sự lạc quan đến siêu năng lực của nàng. Emily In Paris như một quảng cáo nước hoa cao cấp: rực rỡ choáng ngợp trong hình ảnh, nhẹ nhàng mơ mộng trong nội dung và quá sức quyến rũ đến nỗi chẳng ai tắt nổi màn hình.
Ẩn sâu trong những tình tiết bị đánh giá là “dễ dãi”, “hoang đường” là một mạng lưới đan cài tỉ mỉ của những cổ tích hiện đại lồng vào nhau. Đó là một cổ tích về cuộc sống cân bằng giữa làm việc và thú vui thảnh thơi. Trái ngược với những bộ phim đầy hiện thực về công việc cực đoan, Emily chẳng bao giờ bị khối lượng công việc ảnh hưởng tới cuộc sống trên mạng xã hội. Bộ phim xây dựng Emily khao khát muốn thể hiện nhưng lại chẳng hề có tham vọng làm sếp, tận dụng ngay cơ hội đến Paris nhưng cũng chẳng ham muốn có quyền lực gì lớn lao. Chúng ta có cả cổ tích về thành công dễ dàng không rủi ro, và cả cổ tích về mâu thuẫn xã hội. Những bộ phim nữ giới khác về thế hệ Millennials luôn để cho nữ chính kẹt giữa rất nhiều vấn đề của hiện thực, còn Emily thậm chí không dùng Twitter. Mọi mâu thuẫn cuộc sống trong phim đều nhẹ nhàng như gió thoảng: Mindy gặp khó khăn về tiền bạc, mâu thuẫn với gia đình nhưng cách cô nói về nó vô cùng đùa cợt chứ chẳng chút nặng nề.
Darren Star, người tạo ra Emily In Paris nổi tiếng là một người né tránh các vấn đề quá căng thẳng trong phim của mình; cũng như là bậc thầy đan cài mượt mà giữa hiện thực trần trụi và cổ tích ngọt ngào. Ở Sex And The City, ngay kế bên câu chuyện đầy hiện thực về chuyện hẹn hò của phụ nữ độc thân 30-40 ở New York là cổ tích về căn hộ xa hoa, thời trang lộng lẫy và tình bạn vững chắc vô điều kiện. Ngay kế bên áp lực làm lại cuộc đời sau ly dị của phụ nữ tuổi 40 trong series Younger là câu chuyện cổ tích thần kỳ của việc khai gian thành 20 tuổi có thể thành công trong công việc lẫn tình duyên rực rỡ thế nào. Nhưng đến Emily In Paris, Darren Star đã có một bước tiến mới, ông đập bỏ hoàn toàn hiện thực, rời hoàn toàn khỏi những vấn đề của thế hệ, của thời đại mà đơn thuần tạo ra một cổ tích dành riêng cho Emily, một cô gái đến Paris kẹt giữa những mối tình tay 3 tay 4. Emily In Paris dễ chịu vì lẽ đó, không cố gắng đại diện cho một thế hệ hay nữ quyền vốn đã nhan nhản và chiếm thế thượng phong; chỉ có cổ tích và giải trí.
Món quà lớn nhất mà bộ phim mang lại cho khán giả chính là sự bình yên. Giữa lúc thế giới đã quá nhiều căng thẳng, giữa một Netflix luôn dư thừa những bộ phim gai góc hơn, trần trụi hơn về hiện thực thì Emily In Paris hoàn toàn nổi bật, thậm chí cần thiết với rất nhiều người. Tạm quên hiện thực đen tối, tạm quên những tin tức chẳng vui vẻ đi, chúng ta có 5 tiếng đồng hồ ở Paris, đắm chìm trong một hiện thực ngọt ngào mà mọi thứ đều bình yên, dễ dàng, không căng thẳng. Emily Ở Paris bày ra một “góc sân và khoảng trời” nho nhỏ với tường rào vững chãi để người xem có thể tạm trú ngụ, an ủi tâm hồn bị cuộc đời xô đẩy.
Câu trả lời thì ai cũng đã biết rồi, chẳng có ai đúng hay sai.
Emily In Paris tất nhiên chẳng hề là một tác phẩm xuất sắc. Và khẩu vị của phim, chắc chắn sẽ khiến những người đòi hỏi những thông điệp mạnh mẽ, những nữ chính truyền cảm hứng đặc biệt dị ứng và khó chịu.
Nhưng ở một mặt khác, sự quá đỗi ngọt ngào của phim cũng là một xoa dịu êm ái, cần thiết cho rất nhiều khán giả cần những giờ phút giải trí chiều chuộng tâm trạng đơn thuần mà không cần thông điệp.
Mức độ cổ tích phóng đại đến giả tưởng của phim, lại chính là điểm nổi bật khiến mọi lo ngại về việc phim chiều hư hay khiến khán giả ảo tưởng đều là dư thừa.
“Tất nhiên tôi biết đây là một bộ phim hoàn toàn hư cấu, hư cấu đến cực đoan và rõ rành rành chỉ là một câu chuyện cổ tích chiều chuộng cho tâm trạng mình vài tiếng đồng hồ mà thôi. Và tôi tận hưởng tất cả những tình tiết hư cấu đó, vì nó rất đáng yêu, rất giải trí. Một bộ phim giúp mình được thư giãn, được bay bổng trong một hiện thực không tồn tại không phải là rất đáng xem hay sao?” – một phóng viên nữ chia sẻ.
“Tôi thích Emily In Paris, và thực tế, cách bộ phim làm quá về hiện thực lại gợi cho tôi rất nhiều suy nghĩ và thậm chí tỉnh mộng ngay khi xem phim. Tôi nghĩ Emily In Paris dễ dàng đánh thức người xem khỏi cơn mơ mộng, bởi nó đẹp đẽ và quá sức hoang đường. Có lẽ đây là một nghịch lý đáng khen của Emily In Paris: cứ xem đi, cứ mơ mộng đi, nhưng sau khi mười tập phim khép lại thì ý thức về thực tại sẽ ngay lập tức quay về. Ta phải làm sao để sinh tồn được ở Paris nếu như ta không phải là Emily: không xinh đẹp, không đắp quanh người bằng hàng hiệu, không mang trên mình “hào quang nữ chính”, và hoang mang tột độ về cách phân loại giống đực – giống cái trong thứ ngôn ngữ lãng mạn nhất hành tinh? Tôi tận hưởng sự mơ mộng của phim và cả động lực để lao vào cuộc sống sau đó” – Một graphic designer chia sẻ.
Theo số liệu thống kê mà trang Guardian của Anh đưa ra, tỉ lệ trầm cảm ở giới trẻ đang ngày một gia tăng. Đáng chú ý, Gen Z có tỉ lệ trầm cảm cao hơn 2/3 lần so với người ở thế hệ Millennials hồi còn ở độ tuổi tương đương.
Có thể đúng như nhiều người nói, Darren Star không còn khả năng thấu hiểu thế hệ Instagram, Twitter hiện tại, tất cả những vấn đề gai góc mà họ phải đương đầu hằng ngày. Nhưng là một nhà sản xuất lão làng của thể loại phim truyền hình, ông hiểu rõ cổ tích ngọt ngào là một thứ mà cả thế giới này đều đang thiếu, đang cần. Thời đại nào lại chẳng cần cổ tích để nhâm nhi và tưởng tượng trong phút chốc cơ chứ?
Related posts
Không có nhận xét nào: