Tình cảm mẹ con thường đi kèm với sự chiều chuộng nâng niu, nhưng đồng thời cũng là chủ đề cho những cơn ác mộng kinh hoàng trong nhiều bộ phim kinh dị.
Kể từ khi cuốn sách The Common Sense Book of Baby and Child Care (Nhận thức chung về chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ) của Benjamin Spock được xuất bản năm 1976, hàng nghìn phụ nữ đã viết sách chỉ dẫn cách chăm sóc trẻ em từ những việc nhỏ nhất như tắm gội đến làm sao để trở thành bạn tốt của con. Khách hàng đích là những bà mẹ trẻ hoảng sợ khi phải đối mặt với trách nhiệm nuôi nấng một đứa trẻ, sợ rằng họ sẽ làm sai hoặc làm không đủ.
Nuôi dạy một đứa bé chẳng hề dễ dàng gì. Đặt trong bối cảnh phim kinh dị, làm mẹ lại càng là một công việc đáng sợ. Màn ảnh đưa đến không ít những câu chuyện mẹ con đầy ám ảnh, mà ở đó hoặc người mẹ hãm hại con mình, hoặc là nạn nhân của quỷ dữ trong hình hài bé bỏng.
Cho dù bằng cách nào, những bộ phim kinh dị xoay quanh tình mẫu tử luôn để lại một cảm giác khó chịu cho người xem bởi chúng đi ngược lại kỳ vọng của xã hội vào trách nhiệm của người phụ nữ.
Định nghĩa “phái yếu” và muôn màu nỗi khổ của người mẹ trên màn ảnh
Nhìn chung, phụ nữ là đối tượng dễ bị tấn công cả ở trước và sau màn ảnh. Một số nghiên cứu và bình luận về giới tính trong phim kinh dị cho thấy phụ nữ dễ bị tổn thương là do những tính cách “nữ tính” thường thấy.
Đó là sự cởi mở, sự thụ động, nhu cầu được bảo vệ bởi nam giới. Sự dịu dàng trong bản chất của mối quan hệ mẹ – con khiến người mẹ thường bị tấn công bởi họ thường không có chút cảnh giác khi ở bên con mình.
Điều đó khiến nhiều người kết luận rằng, trong những bộ phim kiểu này, phụ nữ dễ bị các thực thể siêu nhiên nhắm tới hơn vì họ “yếu hơn”, giống như lý thuyết ban đầu của Sigmund Freud cho rằng phụ nữ dễ mắc chứng cuồng loạn hơn so với cho nam giới. Bản thân từ này có nguồn gốc từ “hystera” trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là tử cung.
Nếu chỉ đơn giản coi phụ nữ là yếu đuối hơn nên họ dễ trở thành nạn nhân của phim kinh dị, người ta có thể dễ dàng bỏ qua sự thật rằng trong gia đình, người vợ, người mẹ thường là đối tượng chịu nhiều nỗi khổ hạnh đè nén. Nếu như bạn phải lo lắng cho 5 đứa con nheo nhóc, lại phải đi làm để rồi về còng lưng gánh núi việc nhà, thì trăm nghìn công việc không tên đủ khiến bạn trở nên kiệt sức.
Đến lúc này, kết luận phụ nữ đơn giản là yếu hơn đàn ông về thể chất và tinh thần dường như quá đơn giản và hiển nhiên đến mức nực cười.
Margaret White để lại nhiều nỗi ám ảnh khi xuất hiện trong bộ phim Carrie.
Thập niên 1970 đánh dấu sự ra đời của Carrie – một trong những bộ phim kinh dị hay nhất. Mẹ của Carrie, Margaret White, được miêu tả là một giáo dân bảo thủ với lối nuôi dạy con cái độc đoán.
Quan điểm cực đoan của bà White đối với tình dục xuất phát từ việc bị chồng bỏ, dẫn bà đến tôn giáo và đưa đến các quyết định nuôi dạy con sai trái, bao gồm cả việc từ chối giải thích kinh nguyệt là gì cho con gái.
Bộ phim bắt đầu bằng cảnh Carrie có kinh nguyệt ở trường và khi cô về nhà để tìm sự an ủi, mẹ đã nhốt cô trong một căn phòng nhỏ với một cây thánh giá. Bà ta nói với con: “Nếu cô ấy vô tội, lời nguyền máu sẽ không bao giờ đến với cô ấy.” Khi Carrie cầu xin lời giải thích, bà mẹ đọc Kinh Thánh và hét vào mặt con mình.
Đoạn này trong phim phản ánh rõ ràng khuynh hướng bảo thủ của phụ huynh cả về mặt chính trị lẫn tôn giáo, trong khi văn hóa thời kỳ này khiến thanh niên trở nên độc lập và tự do hơn. Văn hóa đại chúng, đặc biệt là phim kinh dị, đã quảng bá chủ nghĩa nổi loạn của thanh thiếu niên để làm nổi bật sự mâu thuẫn giữa hai thế hệ.
Qua đó, màn ảnh ám chỉ rằng việc nuôi dạy con nghiêm khắc có xu hướng ảnh hưởng đến hành vi “hư hỏng” ở thanh thiếu niên. Bộ phim kết thúc với cảnh Carrie nhận ra quyền năng siêu nhiên của mình, và cuối cùng cô đã sát hại mẹ mình. Điều này chứng thực nỗi sợ của phụ huynh về việc nghiêm khắc nhưng bảo thủ với con trẻ có thể không làm cho chúng nghe lời, mà có khi lại khiến chúng hư thêm.
Bà mẹ đơn thân Karen Barclay vô tình gây ra tai họa khi đem con búp bê Chucky về nhà.
Trong khi các bà mẹ thập niên 1970 loay hoay trước đứa con nổi loạn, thì chủ nghĩa tiêu dùng của những năm 1980 khiến nhiều bà mẹ đơn thân khổ sở. Năm 1988, nước Mỹ xuất hiện ngôi sao mới trong dòng kinh dị: con búp bê sát nhân Chucky trong Child’s Play.
Tuy nhiên, ngôi sao thực sự của bộ phim lại là bà mẹ Karen Barclay – một phụ nữ phải làm việc quần quật để nuôi dưỡng con trai Andy. Con búp bê mà Karen mua từ người đàn ông vô gia cư, tưởng chừng là cơ hội để đem đến niềm vui cho Andy, hóa ra lại là cơn ác mộng của cả gia đình.
Nước Mỹ đã trải qua thời kỳ tăng vọt tỷ lệ các bà mẹ đơn thân trong giai đoạn 1970-1990. Ở thời điểm này, rất nhiều người có nhu cầu học cao hơn, nhưng lại không đủ điều kiện. Có người nỗ lực đi làm, nhưng không được trả lương tương xứng như những gì đồng nghiệp nam của họ nhận được.
Họ phải đối mặt với câu chuyện hoặc kiếm tiền ít hơn, hoặc phải nuôi con một mình hoặc như trường hợp của Karen Barclay là cả hai. Cuối cùng, chính Karen là người đã phát hiện ra chân tướng sát nhân của Chucky và làm mọi cách để bảo vệ con mình.
Mối quan hệ mẹ con không hoàn hảo
Bỏ qua thập niên 1990 với dòng phim đâm chém (slasher) có phần ngô nghê, tình mẫu tử quay trở lại màn ảnh kinh dị đương đại với những chiều kích khó lường. The Babadook (2014) lý giải trải nghiệm kinh hoàng của một phụ nữ là kết quả của chứng kiệt sức – biểu hiện của rối loạn tâm lý mà nhiều lần trong lịch sử chúng ta gọi đó là ma quỷ.
Amelia (Essie Davis) cảm thấy kiệt quệ khi đối mặt với đứa con 6 tuổi tính khí thất thường Samuel (Noah Wiseman), trong khi phải vật lộn với nỗi đau mất chồng trong vụ tai nạn. Khán giẩ thấy nhiều ngày trôi qua mà Amelia không có được một đêm ngon giấc.
Cuối cùng, cô ấy bắt đầu bị “ám” bởi một con quái vật tên là Babadook mà cô ấy cùng Samuel đã đọc trong một cuốn sách dành cho trẻ em. Ban đầu, Amelia tin rằng đó là một phần tưởng tượng của con trai, nên cô ngày càng trở nên lo lắng, bồn chồn và hung hăng đối với Samuel.
Babadook là bộ phim kinh dị ấn tượng của nữ đạo diễn Jennifer Kent.
Đạo diễn Jennifer Kent chia sẻ về mong muốn khắc họa tình mẫu tử gần với thực tế: “Tôi quan tâm nhiều hơn đến việc khám phá cách một người phụ nữ đánh mất chính mình. Đó là lời nói dối được thổi vào tai chúng ta hàng ngày – rằng tình mẫu tử thật tuyệt vời và viên mãn làm sao”.
Nhiều cây bút cho rằng Babadook chính là hiện thân cho chứng trầm cảm của Amelia. Khi cô ấy ngày càng kiệt sức và buông xuôi cũng là lúc con quái vật trở nên có hình thù. Cuối cùng, Babadook cũng bị nhốt trong tầng hầm căn nhà, như ngụ ý rằng Amelia đã chiến thắng được căn bệnh tâm lý, nỗ lực vượt qua mất mát và hàn gắn mối quan hệ với con trai.
Ví dụ khác về cách khai thác câu chuyện tình mẫu tử được thấy trong cấu trúc gia đình của Hereditary – một trong những tác phẩm kinh dị thành công nhất mà hãng A24 đem đến.
Thay vì mô tả mối xung khắc đơn thuần giữa mẹ con hoặc hai mẹ con và kẻ ác, thì tác phẩm đào sâu vào những kẽ nứt của truyền thống gia đình, đức tin, tình cảm, mất mát, để kể những câu chuyện phức tạp chưa từng có. Bộ phim xoay quanh gia đình của Annie, chồng cô và hai đứa con đang đau buồn về cái chết của người bà ngoại.
Hereditary là bộ phim kinh dị về tà giáo, nhưng ẩn sau đó còn là sự khác biệt của hai thế hệ làm mẹ.
Nhận ra khuôn mẫu trong cây phả hệ có xu hướng liên quan đến tà giáo, Annie quan ngại nhưng lại không thể làm gì khác. Thế rồi, gia đình nhỏ rơi vào bi kịch kinh hoàng khi cô con gái Charlie chết thảm. Tuyệt vọng, Annie cố gắng níu kéo các thành viên trước số phận gần như không tránh khỏi đang đến với họ.
Nếu như các phim kinh dị như Child’s Play, Babadook hay mother! cho thấy một người mẹ có thể làm tất cả để bảo vệ đứa con của mình, thì những kịch bản của Hereditary, The Haunting of Hill House hay The Witch lại đưa đến khái niệm quen thuộc và đáng sợ rằng bất chấp từng đó nỗ lực của các bà mẹ, có những điều nằm ngoài tầm kiểm soát của họ.
Đó không nhất thiết là những thực thể siêu nhiên như Hereditary đã chỉ ra. Sự hỗn loạn có thể mở ra từ khác biệt giữa các thế hệ. Annie muốn nuôi dạy những đứa con của mình trong một gia đình Mỹ bình thường, trong khi người bà cần các cháu nối dõi truyền thống thờ quỷ.
Kết quả là sự khác biệt thế hệ về tình mẫu tử giữa Annie và mẹ của cô đã tạo tiền đề cho xung đột. Đây cũng là một trong những nỗi sợ hãi đặc biệt của thời đại: nỗ lực khác biệt trong cách nuôi dạy con trẻ có thể bị hiểu lầm. Không gì đáng sợ hơn việc một bà mẹ là bị tách khỏi con cái và không có toàn quyền nuôi dưỡng chúng.
Tình mẫu tử là chủ đề ưa thích đối với các nhà làm phim kinh dị do tính chất phức tạp của vai trò làm mẹ, rằng nuôi dạy một đứa trẻ khó khăn ra sao. Thể loại đã mở ra những thái cực mới của thứ tình cảm tưởng như đã quá hiển nhiên, quá quen thuộc và thiêng liêng nhất giữa con người với con người.
Related posts
Không có nhận xét nào: